Dạy nghề thời 4.0 cách mạng trí tuệ nhân tạo

Một nghiên cứu về biến động nghề nghiệp do ảnh hưởng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của GS Frey và GS Osborne (ĐH Oxford) năm 2013 cho thấy 47% số công việc hiện nay sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong tương lai. 

dạy nghề thời 4.0

Châu Âu cũng vừa trải qua một cuộc khủng hoảng về thất nghiệp và hàng loạt câu hỏi được đặt ra về tương quan giữa đào tạo ĐH và đào tạo hướng nghiệp tại các quốc gia này. Cuộc cách mạng này sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu lao động Việt Nam thế nào? Liệu cơ cấu các trường ĐH và CĐ của Việt Nam hiện nay có còn phù hợp?

Cơ cấu lao động sẽ biến động như thế nào?

Cuối tháng 2-2017, đại diện Facebook tại Việt Nam – ông Huỳnh Kim Tước – cho biết Việt Nam có khoảng 50 triệu phú trẻ tuổi (19-24 tuổi) nhờ Facebook.

Các bạn này có thu nhập khoảng 100.000 USD/tháng. Nếu 50 bạn trẻ này là một công ty thì doanh thu công ty sẽ ở mức 60 triệu USD. Trong khi đó, công ty CNTT lớn nhất Việt Nam FPT Software có 10.000 nhân viên và doanh thu 200 triệu USD.

Tức là công ty giả định của 50 bạn trẻ này sẽ tương đương 3.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT tại công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam. Hay nói cách khác năng suất lao động của công ty gồm các bạn trẻ đã được đẩy lên mức cao hơn các kỹ sư CNTT tới 60 lần.

Lưu ý rằng nhóm công việc của các bạn trẻ này vốn dĩ không tồn tại trước thời đại của Facebook – tức là mới chỉ khoảng 10 năm trước. Sự ra đời của những công việc mới với thu nhập cao vượt trội như vậy là thành quả ngọt ngào mà các cuộc cách mạng kỹ thuật/công nghệ mang lại.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng hưởng lợi. Hàng loạt nhóm công việc truyền thống biến mất, đẩy một số lớn những người làm trong các ngành nghề này vào chỗ thất nghiệp và phải đi tìm ngành nghề mới.

Trước khi máy tính cá nhân và Internet trở nên thịnh hành, nghề văn thư và đánh máy chữ là một nghề phổ biến ở tất cả các công sở và văn phòng, giờ đây đã biến mất hoàn toàn.

Câu hỏi quan trọng là cơ cấu nghề nghiệp trong tương lai sẽ thay đổi như thế nào? Nghiên cứu của Frey và Osborne trên lực lượng lao động Mỹ cho thấy nhóm ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi xu thế robot hóa trong tương lai gần.

Tuy nhiên, có một số nhóm ngành bị ảnh hưởng ít hơn, thí dụ các ngành liên quan đến máy tính, kỹ thuật, khoa học, giáo dục, luật, mỹ thuật, truyền thông, chăm sóc sức khỏe (nhóm thứ nhất).

Trong khi đó các nhóm công việc ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ bao gồm các lĩnh vực: bán hàng, hành chính, văn phòng, nông lâm ngư nghiệp, xây dựng, sửa chữa, vận tải và sản xuất (nhóm thứ hai). Dịch vụ là nhóm đặc thù với tỉ lệ bị thay thế rất cao, nhưng vẫn có nhiều công việc trong mảng dịch vụ vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả trong thời kỳ robot hóa.

Sáng tạo cao hoặc phục vụ trực tiếp con người

Câu hỏi đặt ra là tại sao có những việc dễ dàng bị thay thế, trong khi có những việc lại khó bị thay thế bởi máy móc?

Câu trả lời nằm ở chỗ khả năng của máy móc trong việc thay thế con người. Với những việc mà đối tượng tương tác trực tiếp là vật vô tri vô giác, và sự tương tác này dễ quy trình hóa thành các bước cụ thể – đơn giản thì việc máy móc thay thế con người là rất dễ dàng.

Vì thế, những việc liên quan đến sản xuất, xây lắp, vận tải, nông lâm ngư nghiệp, sửa chữa máy móc… là những việc dễ rơi vào tay máy móc nhất.

Những việc mà đối tượng trực tiếp là con người, đặc biệt là những việc liên quan đến việc sáng tạo cao, hoặc cần phải nắm bắt tâm lý con người, là những việc khó bị thay thế hơn. Không phải chúng không thể thay thế, nhưng ít ra là trong ngắn hoặc trung hạn, sự thay thế này khó xảy ra.

Thí dụ hoạt động giảng dạy của giáo viên (đối tượng là học sinh), các ngành dịch vụ chăm sóc con người (như ngành nhà hàng – khách sạn), chăm sóc y tế, hoạt động nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, quản trị tổ chức – doanh nghiệp… đòi hỏi hoặc là khả năng nắm bắt tâm lý của khách hàng một cách nhạy bén hoặc khả năng nghiên cứu – sáng tạo cao.

Nghiên cứu này của Frey và Osborne dựa trên cơ cấu kinh tế và lực lượng lao động Mỹ. Tuy nhiên cũng dễ thấy là hiện nay tốc độ “lây lan” của công nghệ trên thế giới rất nhanh chóng.

Do đó sự biến đổi về cơ cấu việc làm ở Việt Nam, dù có thể sẽ chậm hơn Mỹ, nhưng cũng sẽ không còn quá lâu. Vì vậy, hệ thống đào tạo sau phổ thông của Việt Nam có thể bây giờ chưa cảm nhận được rõ ràng sức ép, nhưng sớm muộn cũng phải thay đổi.

Thay đổi theo hướng nào? Một gợi ý quan trọng trong nghiên cứu trên là hệ thống giáo dục phải hướng tới việc đào tạo ra một lực lượng lao động mới hướng vào các ngành đòi hỏi tính sáng tạo cao và những ngành nhắm tới việc phục vụ trực tiếp con người.

Những việc mang tính cơ học, máy móc sẽ phải giảm bớt. Chỉ có như thế những người được đào tạo ra mới mong tìm kiếm việc làm thuận lợi sau này.

Trên thực tế, tình trạng thất nghiệp cao của lực lượng lao động được đào tạo ra gần đây ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới cho thấy sự chậm trễ của hệ thống giáo dục đang làm trầm trọng hóa tình trạng thất nghiệp.

Những báo cáo về việc làm của Bộ LĐ-TB&XH thời gian gần đây đưa ra những thông tin về thực trạng thất nghiệp trong tầng lớp có bằng cấp cao ngày càng tăng. Theo các dự báo mới nhất nhận định trong năm 2017, Việt Nam sẽ có thêm 200.000 cử nhân ra trường không có việc làm.

Năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định hạ chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm học 2017-2018 xuống 20% và việc này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội.

Việc giảm chỉ tiêu này đáp ứng cùng lúc hai việc, một là giảm số lượng để tăng chất lượng đào tạo trong hệ thống ĐH, thứ hai là hướng người học chuyển sang học ở bậc học mang tính hướng nghiệp.

Tái định vị giáo dục nghề nghiệp

Tỉ lệ học sinh độ tuổi 15-19 theo học hướng nghiệp ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là 40%. Cá biệt các quốc gia như Áo hoặc Cộng hòa Czech, con số này là 71%. Việt Nam trong những năm qua đã đi ngược với xu thế ở các nước phát triển.

Đó là chưa kể hệ thống giáo dục ĐH cồng kềnh, nặng nề, hàn lâm và lạc hậu của Việt Nam không cho phép đào tạo ra các cử nhân ĐH thực sự chất lượng.

Năm nay, với việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, có vẻ như Việt Nam đang muốn quay lại xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển này còn chưa triệt để. Luật giáo dục 2014 đã xác định đào tạo bậc trung cấp – CĐ là thuộc đào tạo nghề nghiệp và chuyển chính thức phần đào tạo này về Bộ LĐ-TB&XH quản lý từ năm 2016. Tuy nhiên có thể thấy uy tín của hệ thống đào tạo trung cấp – CĐ trong xã hội là không cao (nếu không muốn nói là thấp). Việc này cần phải thay đổi.

Thêm nữa, ngay cả trong lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp, cần thêm một bước dịch chuyển nữa theo hướng các nghề nghiệp mang tính dịch vụ – hướng thẳng vào việc phục vụ con người.

Có nghĩa là, Nhà nước cần có các chính sách để khuyến khích các trường đào tạo nghề nghiệp tập trung vào các mảng dịch vụ phục vụ trực tiếp con người, thay vì dồn quá nhiều nguồn lực vào các trường đào tạo dạy nghề mang đặc thù cơ khí – kỹ thuật.

Ngoài ra, mặc dù đã có hỗ trợ về việc phân luồng với việc cho phép bậc trung cấp có thể tuyển học sinh hết bậc THCS đi học nghề, nhưng trên thực tế số lượng học sinh theo học hệ trung cấp từ THCS là rất ít.

Nhà nước nên cắt giảm 20-30% lượng học sinh đang theo học THPT chuyển sang hệ trung cấp và CĐ ngay sau bậc học THCS theo thông lệ quốc tế. Mỗi năm nên giảm bớt lượng học sinh bậc THPT mà chuyển sang các trường trung cấp và CĐ nghề để hướng các học sinh này có thể hoàn thành bậc học ở độ tuổi 18-20.

Nhà nước cũng nên loại bỏ dần hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên (có vai trò bổ túc văn hóa cho các học sinh không vào được các trường THPT), sáp nhập các trường này vào hệ thống đào tạo nghề, và định hướng rõ ràng cho các học sinh này vào học các trường trung cấp và CĐ nghề nghiệp.

Các tác giả: ĐÀM QUANG MINH – TRẦN VINH DỰ – NGUYỄN ĐÌNH KHIÊM

Theo Tuổi trẻ cuối tuần

Tác giả: Cao Đẳng Việt Mỹ - Ngày viết: 08/06/2017

Danh mục: Thông tin hướng nghiệp, Truyền thông nói về chúng tôi

Tags: cách mạng trí tuệ nhân tạo, Đàm Quang Minh, dạy nghề, dạy nghề thời 4.0, Nguyen Dinh Khiem, tran vinh du

ĐỂ LẠI CÂU HỎI NẾU BẠN CÓ THẮC MẮC

GỬI BÌNH LUẬN

Hãy bình luận/đặt câu hỏi cùng Cao Đẳng Việt Mỹ ngay nhé.
Thông tin của bạn sẽ không được hiển thị công khai.
Các trường bắt buộc được đánh dấu *