Dịch giả Hoàng Long và những điều nhắn nhủ với bạn trẻ muốn theo nghề dịch giả

“Trong tác phẩm này, nếu quý độc giả thấy đoạn nào hay thì đó là của riêng Dazai Osamu, còn chỗ nào bất toàn thì hoàn toàn là trách nhiệm của dịch giả.” Đó là lời dịch giả Hoàng Long trong dịch phẩm “Thất lạc cõi người” của Dazai Osamu. Thái độ khiêm nhường, giản dị đã gây ấn tượng với Books Up và mang đến những hợp tác sau đó. Hãy cùng Books Up và phóng viên Cao đẳng Việt Mỹ gặp gỡ Thầy Hoàng Long – Giảng viên chuyên ngành Phiên dịch tiếng Nhật kinh tế thương mại và là một dịch giả Nhật ngữ chia sẻ về chuyện dịch sách – hành trình mang những tác phẩm văn học Nhật Bản đến với độc giả Việt Nam.

Chân dung tự họa

“Một người thích trầm tư để đọc, dịch và suy ngẫm một mình nhưng cũng thích truyền cảm hứng và kiến thức cho người khác. Vì thế, việc vừa dịch thuật vừa giảng dạy thích hợp với tôi hơn cả. Bên cạnh đó, tôi thích uống trà chiêm nghiệm vào mỗi buổi sáng và xem xét để phản tỉnh những việc trong ngày đã làm, nghĩ đến kế hoạch ngày mai trước khi đi ngủ. Điều khiến tôi cảm thấy mãn nguyện là cầm trên tay quyển sách mình viết và dịch mới xuất bản. Đó là niềm hạnh phúc vì thấy cuộc đời có ý nghĩa.”

Tình yêu thủy chung dành cho văn học Nhật Bản

Văn học Nhật Bản là niềm say mê của anh kể từ thời sinh viên. Chính vì vậy, anh đăng ký học thêm chuyên ngành tiếng Nhật song song với ngành Văn học ở trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn để có thể “uống nước tận nguồn” – thưởng thức trực tiếp nguyên tác và mở thêm cánh cửa chiêm nghiệm thế giới thông qua ngoại ngữ này.
Chính tình yêu đó cũng đã dẫn dắt anh đến với các tác phẩm của nhà văn tài hoa bạc mệnh Dazai Osamu. Khởi đầu từ “Nhân gian thất cách” – cuốn tiểu thuyết để lại trong anh nhiều nỗi ám ảnh vì “như thể tác giả đang miêu tả tâm trạng của chính mình”, sau đó đến “Nữ sinh”, “Tà dương”, lần lượt ba tác phẩm của Dazai Osamu đã được dịch giả Hoàng Long chuyển sang Việt ngữ và tái bản nhiều lần. Những bản in cũ đầu tiên của “Thất lạc cõi người” được giới mộ điệu sưu tầm.
Chia sẻ về lý do dịch và giới thiệu bộ tác phẩm của Dazai Osamu đến độc giả Việt Nam, anh Hoàng Long tự nhận đó là nhiệm vụ của mình bởi anh rất ngạc nhiên khi “một tác phẩm và tác giả hay như vậy mà chưa được dịch ra Việt ngữ.” Đối với anh, việc đóng góp một phần sức lực cho việc dịch và giới thiệu văn học Nhật Bản đến bạn đọc nước nhà chính là niềm vui không gì so sánh được.

Thầy Hoàng Long cùng sinh viên ngành Phiên dịch tiếng Nhật kinh tế thương mại ở Cao đẳng Việt Mỹ

Sự nghiêm cẩn trong nghề nghiệp

Với nghề dịch thuật, anh Hoàng Long chia sẻ hai nguyên tắc then chốt: Thứ nhất, dịch giả là vị giám khảo đầu tiên thẩm định thành phẩm của mình. Nếu chưa hay thì chưa công bố. Có nhiều tiêu chí để đánh giá một bản dịch hay nhưng nguyên tắc cổ xưa thường được nhắc đến là tín, đạt, nhã. Thứ hai, không tùy tiện phê phán bản dịch người khác nếu mình chưa đọc kỹ và so sánh với nguyên tác. Rất có thể chính mình mới là người hiểu chưa đúng tinh thần tác phẩm còn người dịch đã sống và trải nghiệm với bản dịch đó một thời gian dài.
Theo anh, trong công việc cũng như trong cuộc sống, mỗi người cần có nguyên tắc. Đó chính là kim chỉ nam giữ cho chúng ta đi đúng hướng, vững vàng trước thử thách và cám dỗ.

Thầy Hoàng Long trong talkshow Nghề dịch sách

Bốn điều nhắn nhủ với những bạn trẻ muốn bước vào con đường dịch văn học

Thứ nhất, sơ tâm: Ghi nhớ niềm vui thuần khiết khi bắt đầu lựa chọn con đường này. Đó sẽ là bàn tay kéo chúng ta dậy khi khó khăn, là ranh giới ngăn ta tránh xa cám dỗ mà danh tiếng, quyền lực (nếu có) mang lại về sau. Quan trọng hơn cả, sơ tâm sẽ nhắc nhở chúng ta luôn là chính mình.

Thứ hai, kỷ luật. Không chỉ riêng dịch thuật mà muốn làm được việc khó khăn, lâu dài, chúng ta đều cần có kỷ luật.

Thứ ba, kiên trì: Thành Roma không được xây trong một ngày. Hãy xác định đây là con đường nghề nghiệp lâu dài và nhiều thử thách nên cần phải nhẫn nại vượt qua những điều bất như ý trong cuộc đời để đi cho trọn vẹn. Người đi xa nhất và mỉm cười cuối cùng mới là người thắng cuộc.

Thứ tư, khiêm nhường: Không ngừng học hỏi, phản tỉnh và cải thiện bản thân mỗi ngày.

Sơ tâm của bạn và tôi khi bắt đầu lựa chọn nghề dịch là gì? Chúng ta có sẵn sàng nhẫn nại, khiêm nhường để theo đuổi con đường này hay không?

(Nguồn: Books Up – Cùng sách trưởng thành)

Tác giả: pham phan - Ngày viết: 17/01/2020

Danh mục: Phiên dịch tiếng Nhật kinh tế thương mại, Tin tức - sự kiện, Uncategorized

Tags: dịch giả Hoàng Long, phiên dịch tiếng nhật kinh tế thương mại

ĐỂ LẠI CÂU HỎI NẾU BẠN CÓ THẮC MẮC

GỬI BÌNH LUẬN

Hãy bình luận/đặt câu hỏi cùng Cao Đẳng Việt Mỹ ngay nhé.
Thông tin của bạn sẽ không được hiển thị công khai.
Các trường bắt buộc được đánh dấu *