Huỳnh Lê Bảo Ngọc: “Từ khi học ở đây, tôi đã biết xây dựng kế hoạch cho tương lai của mình”

Tôi, một sinh viên năm nhất của chương trình BTEC HND, ngành Hospitality Management – Quản lý nhà hàng-khách sạn của Trường Cao đẳng Việt Mỹ. Hôm nay, tôi sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện của tôi và người yêu- Cao đẳng Việt Mỹ.

cat

Thời gian này năm ngoái, tôi đang trải qua “cuộc chiến chọn trường”. Sau khi biết điểm tốt nghiệp THPT năm 2015, số điểm không cao nhưng cũng không phải quá thấp, tôi đánh liều mà nộp đơn vào một trường với chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và Đông phương học theo đam mê với các loại ngôn ngữ của mình. Sau khi rớt, tôi đành tiếp tục lên mạng tìm kiếm những trường mà tôi có khả năng vào được. Tôi biết đến Việt Mỹ thông qua người bạn thân của mình. Khi nghe tôi nói về điều này, ba tôi khuyên tôi nên học trường Đại học BR-VT vì gần nhà và chi phí cũng thấp. Nhưng tôi không muốn bỏ phí thời gian và tiền bạc vào một ngôi trường mà tôi biết chắc tôi sẽ không có tương lai. Tôi và ba gọi cho chị Trang (tư vấn viên của trường) và nghe chị tư vấn. Sau đó ba con tôi lên Sài Gòn đến tận trường để tham quan và tư vấn. Sau khi về, ba tôi lại một lần nữa phân vân vì học phí khá cao so với khả năng của gia đình. Nhưng may mắn thay với học bổng 30% từ nhà trường tôi đã có cơ hội trở thành sinh viên của Cao đẳng Việt Mỹ và “mối tình” bắt đầu.

Lúc lên Sài Gòn để nhập học, dưới cái nóng oi ả của Sài Gòn, tôi và ba phải đi tìm nhà trọ gấp với sự giúp đỡ của trường. Chúng tôi phải đi rất nhiều nơi để tìm một chỗ tạm ổn và cuối cùng tôi cũng tìm được một căn nhà trọ giá rẻ gần trường. Nhưng khi ở một mình nơi đất lạ, tôi tủi thân ghê gớm. Là con út, lại ở gần ba mẹ suốt 18 năm trời, tôi đâm ra ỷ lại và nội liễm. Sau khi ba đi về, tôi không biết phải làm gì, tôi cô đơn và sợ hãi đến nỗi bật khóc trong căn phòng nhỏ. Tôi hầu như không hề bước ra khỏi phòng nếu như không có ca học và học xong lại quay trở về nhà trọ ngay chứ không đi đâu. Khu trọ của tôi toàn là dân lao động, họ chửi rủa, họ cãi nhau, họ ầm ĩ, điều đó càng khiến tôi khó chịu hơn rất nhiều. Tôi đã phải vất vã dời vài chỗ trọ khác mới có thể tạm ổn với nơi ở hiện tại.

Tôi nhập học trễ một tuần so với các thành viên trong lớp nên khi đi học, tôi chỉ ngồi cuối và hầu như không hề nói chuyện với ai. Tôi vốn là một người sống hướng nội nên phải mất gần một tháng tôi mới bắt đầu nói chuyện với một số bạn trong lớp. Thời gian cứ chầm chậm trôi, dần dà tôi quen được nhiều bạn hơn, mỗi người đều có một tính cách, một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều thân thiện và tốt với tôi. Tôi đã không còn cảm thấy tủi thân hay cô đơn khi trở về phòng trọ, không còn cảm thấy chán nản, không còn muốn bỏ cuộc để về nhà với ba mẹ như lúc đầu nữa mà bắt đầu mở lòng hơn.

Tôi cứ tưởng các buổi học sẽ nhàm chán như những đứa bạn học trường đại học công lập của tôi thường kể. Nhưng không, tôi đã sai lầm về điều này. Ở Việt Mỹ, thầy cô đều có độ tuổi khá trẻ và ai cũng thân thiện, vui tính, đặc biệt là họ rất quan tâm đến sinh viên của mình. Ví dụ như thầy Đoàn, người mà chúng tôi vẫn hay gọi là Dượng Hai, là một người rất đam mê du lịch, Dượng hay chia sẻ cho chúng tôi những kinh nghiệm khi đi đến một đất nước lạ, hay chỉ cho chúng tôi những nơi nên đi, nên tới, hay giới thiệu những chuyến bay giá rẻ và khuyến khích chúng tôi đi xa để tìm tòi, học hỏi. Tôi rất ấn tượng với thầy Khang, một người thầy vui vẻ, thân thiện và có hình xăm ở tay. Thầy là một người hay cười, không có chuyện gì vui thầy cũng vẫn cười tươi, nếu bạn đang mệt mỏi, khi nhìn thấy thầy bạn cũng sẽ bất giác mỉm cười theo, tôi chắc đấy! Tôi rất ấn tượng với một câu nói của thầy “Nếu xăm mà giấu thì xăm làm gì”, thế nên đừng vì ngoại hình mà đánh giá về phẩm chất của một người.

À, sao lại có thể không nhắc đến cô Nga được nhỉ? Cô Nga khá nhỏ người và cô có hẳn một bộ sưu tập áo dài cách tân để mặc với quần jean. Ban đầu tôi còn nghĩ “Tại sao thời trang của cô ngộ quá vậy trời?” nhưng nhìn nhiều rồi cũng quen và tôi thấy những bộ áo dài đó cũng rất đẹp. Cô Nga rất hay chia sẻ với chúng tôi về những kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm sống. Cô đều có thể giải đáp rất rất nhiều thứ mà chúng tôi muốn biết, đôi khi cô giống như Google vậy đó. Còn một người mà tôi rất thích học cùng, đó là chị Thảo-Miss Sarah của chúng tôi. Chị Thảo có mái tóc ngắn cực cá tính và phong cách thời trang khá tuyệt. Chị Thảo bắt chúng tôi gọi là “chị” thay vì “cô” như những người khác vì lí do “gọi chị nghe trẻ hơn”. Tôi rất thích nghe chị nói chuyện, chị làm chuyên về mảng du lịch nên chị cũng thường chia sẻ những kinh nghiệm về du lịch cho chúng tôi. Chưa có buổi học nào cùng chị mà vắng đi tiếng cười cả. Nhưng có một điều là chị Thảo rất hay bị bệnh, cho nên tôi muốn gửi lời tới chị là “Chị ơi, chăm sóc bản thân thật tốt nhé, tụi em quý chị lắm!”. Đối với tôi, giáo viên ở trường Việt Mỹ ai cũng đáng yêu, đáng quý cả.

Tôi ngày trước không hề có ước mơ gì cả nhưng từ khi học ở đây, tôi được dạy và đã biết xây dựng kế hoạch cho tương lai của mình. Sau khi hoàn thành khoá học ở đây vào năm 2018, tôi là sẽ đi Canada tiếp tục học để trở thành đầu bếp chuyên nghiệp. Tôi dễ dàng tìm được những thông tin cần thiết thông qua các anh chị và thầy cô trong trường này. Học ở đây, tôi được thực hành tại trường và đi kiến tập khá nhiều tại các nhà hàng, khách sạn. Đó cũng là lý do càng ngày tôi càng có hứng thú với ngành học này.

Tôi muốn nói thật nhiều điều về Việt Mỹ, muốn kể cho các bạn nghe nhiều hơn nữa về những vui buồn mà tôi đã trải trong một năm qua nhưng như thế thì sẽ chán lắm. Các bạn hãy đến đây, tham gia với chúng tôi, trở thành một phần của Cao đẳng Việt Mỹ và hãy cùng chúng tôi trải nghiệm những điều thú vị nhé!

Cuối cùng tôi chỉ muốn nói rằng: TÔI YÊU VIỆT MỸ CỦA TÔI! ♥

HUỲNH LÊ BẢO NGỌC (BMH2015)

Tác giả: Cao Đẳng Việt Mỹ - Ngày viết: 09/11/2016

Danh mục: Đời sống sinh viên, Training, Việt Mỹ và tôi

ĐỂ LẠI CÂU HỎI NẾU BẠN CÓ THẮC MẮC