Thạc sỹ Lê Thị Phượng Liên: “Tuổi 20 – Các bạn trẻ hãy khám phá đi. Bắt đầu đi và đừng sợ nữa”

Tốt nghiệp MBA tại Đại Học quốc tế RMIT (Úc) – Thạc sỹ Lê Thị Phượng Liên từng công tác trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp tại những công ty, doanh nghiệp lớn của Việt Nam và nước ngoài. Từ vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tế dày dặn, Cô tham gia giảng dạy cho nhiều trường Đại học danh tiếng và chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam. Hiện tại, Thạc sỹ Lê Thị Phượng Liên là Phó Giám Đốc công ty Mondial Solution (một trong những công ty đầu ngành về lĩnh vực tư vấn thiết kế và nhận diện thương hiệu), đồng thời cũng là giảng viên phụ trách ngành Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trường Cao đẳng Việt Mỹ. Những thành công nhất định trên hành trình sự nghiệp của Cô Liên chắc chắn sẽ khiến không ít bạn trẻ ngưỡng mộ. 

Góc nhìn hiện đại của người doanh nhân trong phương pháp giảng dạy 

APC: Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn cũng như điều hành doanh nghiệp của riêng mình, vậy phương pháp giảng dạy của Cô có những khác biệt nào so với mặt bằng chung không, thưa Cô?

Cô Liên: Cô đã tiếp xúc với rất nhiều sinh viên, nhiều môi trường, quy mô, ngành học khác nhau nên mỗi nơi Cô sẽ có những phương pháp giảng dạy khác nhau. Tuy nhiên, Cô vẫn ưu tiên để các bạn đi ra ngoài học, tự làm nhiều hơn rồi rút kinh nghiệm hoặc mời chuyên gia về chia sẻ với các bạn,… Có những trường Cô từng dạy rất khó để triển khai nhưng ở Việt Mỹ thì ngược lại, Khoa Quản trị rất khuyến khích các hoạt động này.

Cô thích là các bạn hãy làm để học hỏi. Chẳng hạn như trong cuộc thi 100 Dollar Chalenge chủ đề “Khởi sự doanh nghiệp” vừa qua. Rõ ràng những ý tưởng hiện tại của các bạn rất hay, nó không chỉ dừng ở bánh tráng trộn hay trà sữa… mà đó là những sản phẩm có thương hiệu, vẫn làm marketing online, offline. Các bạn cũng đã biết quan tâm đến bảo vệ môi trường nhiều hơn. Chúng ta có thể thấy đã ít những ống hút nhựa, ít rác thải đi, còn có nhóm thực hiện khuyến mãi đổi pin, nghĩa là chỉ cần đem pin cũ đến đổi thì được giảm giá nước uống…

Từ tình yêu cộng đồng đến cái tâm Cô dành cho giáo dục

 APC: Vì sao cô chọn học Quản trị kinh doanh, có phải từ ban đầu Cô đã có đam mê và xác định sẽ theo đuổi lĩnh vực này?

Cô Liên: Khi ở tuổi 20 chúng ta đâu biết học để làm gì đâu. Cô cũng vậy. Có người thì nghe bạn bè đồn rồi thích, có người thì gia đình định hướng… Hồi đó Cô cũng không có định hướng gì hết, chỉ là học cho xong. Bản thân Cô đã trải qua giai đoạn 20 ta không biết ta làm gì, ta là ai. Vậy nên Cô vẫn hay nói với các bạn trẻ là: “Mình nên khám phá những giới hạn của bản thân nhiều hơn thì mới có thể tập trung vô điểm mạnh của mình được”.

APC: Dù không có định hướng ngay từ đầu nhưng với những thành công nhất định trong sự nghiệp của mình, chắc chắn Cô đã nỗ lực rất nhiều. Lý do vì sao Cô chọn việc giảng dạy trong khi có vô số cơ hội tốt đang chào đón?

Cô Liên: Cô không phải sinh ra để đi dạy. Đâu có ai học kinh tế mà để đi dạy đâu đúng hông (cười). Nhưng mà Cô thích cảm giác đi dạy vì Cô thấy mình làm được nhiều điều hơn cho cộng đồng. Cô hỗ trợ được cho nhiều bạn hơn. Có thể các bạn không được đi con đường thuận lợi ngay từ đầu, bắt đầu thấp hơn một chút nhưng chỉ cần cố gắng đủ nhiều thì các bạn vẫn có thể làm việc, vẫn phát triển tốt và thành công.

Lựa chọn nào thì cũng có cái được riêng, nếu như làm cho những công ty lớn thì cơ hội đi vòng quanh rất lớn. Cô cũng có suy nghĩ về lựa chọn đó trong một thời gian sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Cô thấy những lựa chọn đó sẽ chỉ đóng góp được một phần rất nhỏ cho xã hội. Cô vẫn thích trải nghiệm hơn, cân bằng hơn. Thật ra đi dạy cũng vui, gặp các bạn trẻ cũng vui và Cô có được những năng lượng mới mỗi ngày từ các bạn, 

APC: Vậy điều đặc biệt gì ở Việt Mỹ đã giữ chân Cô lại?

Cô Liên: Một trong những lý do mà Cô chọn Cao đẳng Việt Mỹ là vì Cô rất thích mô hình giáo dục tại đây. Ví dụ 100% lý thuyết ở đại học chỉ áp dụng được 10% thôi thì ở hệ cao đẳng như trường mình chỉ học 30% lý thuyết, nhưng đó là những kiến thức mà các bạn thật sự cần.

Có một số nơi khác Cô muốn dạy cho sinh viên nhiều kỹ năng thực tiễn hơn, bớt lý thuyết đi thì đôi khi bị rằng buộc bởi các yếu tố khác như: đánh giá, điểm cuối kỳ, hệ thống kiểm định,…  nên bị giới hạn rất nhiều. Mỗi lần sinh viên đi kiến tập, thực hành, các thầy cô đều phải tốn nhiều thời gian và công sức nên các trường khác thường ít tổ chức và chưa triển khai được. Nguyên nhân là để tổ chức 01 chuyến đi cho các bạn, giảng viên sẽ phải chuẩn bị rất nhiều từ việc lên kế hoạch, chuyến đi phải liên quan gì với môn học, các bạn sẽ học được gì, thay đổi suy nghĩ của các bạn khi đi làm thế nào, cần chuẩn bị gì sau khi tốt nghiệp… Trong khi tại Việt Mỹ, các bạn có thể thấy những chuyến kiến tập, thực tập, field trip… diễn ra rất thường xuyên vì nó bổ ích cho sinh viên.

Mỗi ngày đi dạy là một niềm vui

APC: Trong quá trình giảng dạy của mình Cô có gặp phải những trở ngại nào không, thưa Cô?

Cô Liên: Ngành học ban đầu của Cô là quản trị cho nên Cô rất ám ảnh việc đặt mục tiêu và lập kế hoạch để đạt mục tiêu. Dĩ nhiên, khi triển khai thì sẽ có những vấn đề phát sinh nhưng mà mình phải thực hiện cho bằng được cái mục tiêu của mình. Đôi khi, có những bạn sinh viên hay quen với tâm lý thụ động, chờ đợi và Cô phải tập để các bạn quen dần. Đó là cho các bạn một thời khóa biểu rõ ràng và nhắc nhở các bạn thực hiện nó. Ban đầu có thể sẽ gặp nhiều áp lực nhưng cứ mỗi tuần đều làm một chút thì đến cuối kỳ các bạn ấy sẽ hoàn thành.

Khi đi dạy Cô suy nghĩ giống như mình đi gieo hạt vậy, chỉ cần có một hoặc hai hạt nảy mầm thì cô cũng đã thấy vui bởi vì đó là điều đúng. Thật sự làm điều đúng khó hơn làm điều sai và làm theo đám đông. Nhưng bởi vì Cô biết và Cô tin Cô đang làm đúng thì Cô cứ làm. 

APC: Hiện tại, khi nhìn lại hành trình của mình Cô có cảm thấy hài lòng hay chưa?

Cô Liên: Cô vẫn thấy mình “happy” mỗi ngày. Có những chuyện mình không nên tức giận, đó chính là chuyện mình không thay đổi được. Cô vẫn thường nhìn lại xem mình đã cố gắng hết sức chưa, mình học được gì từ nó. Những sai lầm cũng là một phần trong cuộc đời của mình nên phải biết chấp nhận để học hỏi, rút kinh nghiệm và tiếp tục đi tới.

Cô rất thích học và vẫn luôn khuyến khích các bạn đi học. Cô cũng vậy, vẫn hay học những phương pháp mới để áp dụng đi dạy và học thêm cả những cái mà Cô cảm thấy thích.

Tuổi 20 – Các bạn trẻ hãy cứ khám phá đi

APC: Với hành trình và những trải nghiệm mà chính mình đã đi qua, Cô có lời khuyên nào dành cho các bạn sinh viên không?

Cô Liên: Cô khuyên mấy bạn nên tôn trọng bản thân mình, nghiêm túc với kế hoạch của mình, hãy cố gắng học hỏi và nỗ lực phấn đấu. Nếu các bạn không chạy từ bây giờ lỡ một hai năm sau mà thất nghiệp là rất khủng khiếp. Lúc đó cũng già rồi, lười học rồi, chắc chắn không xin được việc làm nếu so với những bạn mới tốt nghiệp. Đối với sinh viên chuẩn bị đi thực tập thì ở giai đoạn này Cô không vỗ về các bạn nữa mà chỉ nói sự thật. Đôi khi có những điều Cô nói thẳng quá làm các bạn tổn thương một chút nhưng Cô muốn các bạn nhìn nhận thực tế khi đi làm chính là như vậy.

Giai đoạn tuổi 20 là lúc để khám phá, vậy thì các bạn hãy cứ khám phá đi để biết giới hạn của mình ở đâu. Đừng chỉ ngồi đó tưởng tượng mà hãy làm để biết được nó có như mình nghĩ, có đáng để mình cố gắng không. Hãy trả giá sớm thay vì trả giá trễ và đừng sợ nữa. Let’s “Stop thinking and start doing”.

APC: Mặc dù vậy, tại Việt Nam, các bạn trẻ thường bị giới hạn khá nhiều bởi những lo lắng của gia đình. Cô có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Cô Liên: Tất cả ba mẹ ai cũng lo lắng cho con hết nhưng bằng cách này hay cách khác. Để giảm nỗi lo đó xuống thì các bạn trẻ phải cho ba mẹ thấy các bạn làm được gì, lý do bạn làm những điều đó và bạn sẽ làm như thế nào. 

Để ba mẹ yên tâm, các bạn phải xây dựng niềm tin cho họ từ những việc nhỏ nhất. Tuy nhiên, trước hết hãy hiểu ba mẹ. Có thể cách họ yêu thương con cái không giống cách các bạn mong đợi, nhưng hãy hiểu rằng, người ta thường sợ những thứ mình không biết và không chắc chắn. Vậy nên các bạn càng cần phải làm rõ cho ba mẹ thấy mình đang làm gì và mình đã làm được gì. Biết ba mẹ mình sợ cái gì thì kiên nhẫn thuyết phục rằng các bạn đã đủ trưởng thành để làm điều đó rồi. Chỉ cần thương và hiểu ba mẹ thì sẽ có cách thôi.

——————–

Thông tin chi tiết Trường Cao Đẳng Việt Mỹ – American Polytechnic College (APC):

Cơ sở Trung Sơn:

  • Địa chỉ: Số 5-7-9-11 đường số 4, khu dân cư Trung Sơn, TP.HCM
  • Điện thoại : (028) 5433 6888
  • Hotline: 0938 90 5050 | 090 2858 550

Cơ sở Gò Vấp:

  • Địa chỉ: Số 1A Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM
  • Điện thoại: (028) 7302 5888

Cơ sở Củ Chi:

  • Địa chỉ: 83A Bùi Thị He, khu phố 1, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP.HCM
  • Điện thoại: (028) 3636 4983

Cơ sở Cần Thơ

  • Địa chỉ: 135P Trần Hưng Đạo, P.An Phú, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ
  • Điện thoại: (0292) 3832 045
  • Hotline: 0937 910 212

Các nhóm ngành đào tạo:

HỆ CAO ĐẲNG QUỐC TẾ ANH QUỐC:

HỆ CAO ĐẲNG CHÍNH QUY:

  • Nhóm ngành quản trị
  • Nhóm ngành biên – phiên dịch
  • Nhóm ngành công nghệ thông tin 
  • Nhóm ngành sức khỏe
  • Nhóm ngành thiết kế

Facebook: Cao đẳng Việt Mỹ – American Polytechnic College

Email:

  • Phòng Tuyển Sinh: info@caodangvietmy.edu.vn
  • Phòng Đào Tạo: phongdaotao@caodangvietmy.edu.vn
  • Phòng dịch vụ sinh viên: dichvusinhvien@caodangvietmy.edu.vn

Tác giả: Cao Đẳng Việt Mỹ - Ngày viết: 17/09/2019

Danh mục: Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tin tức - sự kiện, Uncategorized

Tags: APC, cao dang viet my, giảng viên, Quản trị Doanh nghiệp, Ths.Lê Thị Phượng Liên

ĐỂ LẠI CÂU HỎI NẾU BẠN CÓ THẮC MẮC

GỬI BÌNH LUẬN

Hãy bình luận/đặt câu hỏi cùng Cao Đẳng Việt Mỹ ngay nhé.
Thông tin của bạn sẽ không được hiển thị công khai.
Các trường bắt buộc được đánh dấu *