Cảm hứng và giá trị từ tọa đàm Today’s Voice – UNESCO-CEP

Today’s Voice là dự án được tổ chức bởi UNESCO-CEP với nhiều nội dung thiết thực với giới trẻ. Ngày 24/10/2015 vừa qua, buổi tọa đàm chủ đề “A NEW STANDARD – GLOBAL CITIZENSHIP” đã diễn ra với sự tham dự của nhiều khách mời uy tín, một trong số đó là Tiến sĩ Trần Vinh Dự – chủ tịch trường Cao đẳng Việt Mỹ.

Tham dự chương trình, nhóm sinh viên của trường Cao đẳng Việt Mỹ đã thu nhận cho mình nhiều bài học bổ ích và được tiếp thêm động lực trên hành trình nỗ lực của bản thân. Xin giới thiệu tới các bạn bài cảm nhận của bạn Đàm Lệ Hồng, hi vọng chúng ta có thể đồng cảm và nhận được những giá trị hữu ích từ tọa đàm Today’s Voice.

Vào thứ bảy ngày 24 tháng 10 năm 2015 vừa qua, em đã được cùng các bạn trong Leadership Bootcamp tham dự buổi tọa đàm thú vị với sự tham gia của các anh chị CEO, CFO, CCO, các nhà lãnh đạo đã và đang rất thành công trong công việc và sự nghiệp. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các nhà học thuật lớn, các giáo sư, tiến sĩ có bề dày về tri thức cũng như kinh nghiệm thú vị. Qua những giai đoạn: nhận diện (what), đánh giá (how) và hành động (start-up) đã ghi lại cho em nhiều suy nghĩ và nhận thức mới..

Đối với em, đây là một chương trình bổ ích dành cho các bạn học sinh, sinh viên và có lẽ là cho cả giới trẻ Việt Nam. Những định nghĩa tưởng như trừu tượng và lớn lao như “công dân toàn cầu” và “chuẩn mực mới” vốn gần gũi và thân thiện ngay trong cuộc sống xung quanh chúng ta, nhưng lại bị lầm tưởng là một khái niệm xa lạ. Các diễn giả đã miêu tả các vấn đề vô cùng thực tế về các thực trạng của giới trẻ Việt đối với sự “hòa nhập” và “cộng hưởng” cùng thế giới. Cái nhìn tuy cũ nhưng lại thể hiện được những ưu và khuyết điểm của giới trẻ hiện nay, các vị khách mời đã đưa ra những câu chuyện và nhận xét về bản thân nhưng lại mang ý nghĩ đánh thức nhận thức của tất cả mọi người..

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng đã chia sẽ rằng một công dân mang tính toàn cầu là một người luôn luôn đặt ra nhiều câu hỏi để tìm được sự giải đáp, luôn luôn sẵn sàng tiếp thu và giải đáp những câu hỏi đến từ người khác. Tại thời điểm bắt đầu cô đã gợi nên cho em một suy nghĩ mới về câu hỏi: “Điều mà giới trẻ Việt Nam hiện nay đang cần có đúng là một chuẩn mực mới không? Vậy còn họ nghĩ thế nào về chuẩn mực cũ?” Câu hỏi đó đã khơi gợi cho em một suy nghĩ mới về chủ đề của buổi tọa đàm “chuẩn mực mới” có thể hiểu là một tầm nhìn mới rộng hơn và sáng hơn. Nếu tạo ra một chuẩn mực nhất định dành cho tất cả mọi người thì nó chẳng khác gì là một bộ đồng phục chung cho toàn thế giới. Nhưng nếu cùng một điểm đến với những câu hỏi gợi mở thì mỗi người sẽ có thể tự tìm ra cho bản thân một sự “ khai sáng” mới là một ý tưởng, suy nghĩ hay xa hơn là một hành động, và điều đó mới thật sự tạo nên sự thay đổi và khác biệt..

Tiến sĩ Trần Vinh dự cũng đã chia sẻ rằng : “Nếu suy nghĩ và hành động của bạn chỉ dừng tại vùng an toàn hoặc thời điểm bạn vấp ngã thì bạn sẽ không bao giờ có một sự thay đổi nào cả. Thất bại là điều cần có trong cuộc sống nhưng việc học tập và tìm ra phương pháp khắc phục những khuyết điểm đó càng quan trọng hơn. Đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho chính bản thân mình vì điều đó sẽ làm bạn sao lãng và bị động trong việc giải quyết và xử lí thất bại đó.” Em rất ấn tượng đến một câu nói của thầy về việc “Tất cả mọi người xung quanh sẽ chỉ tạo ra mối quan hệ với những người cho họ điều họ cần” đó không nói đến tiền bạc hay vật chất mà đó là sự tôn trọng, sự thể hiện và tâm hồn mà bạn mang đến cho họ. Nếu bạn không được mọi người yêu thích thì đừng đổ lỗi cho họ mà hãy xem xét, đánh giá và làm mới bản thân mình một cách mới mẻ, cởi mở hơn. Vì đôi khi họ chỉ cần nhận được sự thoải mái khi trò chuyện với bạn chứ không quan tâm đến ngoại hình hay tiền tài của bạn.

10
                  Tiến sĩ Trần Vinh Dự – chủ tịch trường Cao đẳng Việt Mỹ chia sẻ những trải nghiệm                                                                            của mình tới các bạn sinh viên

.

Những câu chuyện đời thường về cuộc sống, về công việc và những hoạt động xã hội đã dẫn dắt tất cả mọi người đến một tầm nhìn mới về “công dân toàn cầu”. Có những giá trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển và cũng có những giá trị cốt lõi luôn là tiền đề để chúng ta hòa nhập, phát triển và cải thiện bản thân để trở nên mới hơn, toàn cầu hơn.

Em rút ra 3 điều mọi người luôn cố gắng hoàn thiện trong suốt cuộc đời của họ, đó là:

1. Sự chuyên nghiệp: (trong giao tiếp, trong hành động, trong công việc và cuộc sống hàng ngày)

  • Được thể hiện đầu tiên bằng hình ảnh bản thân (ấn tượng đầu tiên) của bản thân. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng nếu nước sơn không bắt mắt thì liệu bạn có quan sát kĩ hơn về chất lượng gỗ trong cả khu rừng rộng lớn hay không?
  • Được thể hiện qua “thói quen nói” và “hành động nhỏ”. Như người ta vẫn thường nói “hãy đối xử với người khác bằng cách bạn muốn được đối xử với bản thân” đó là một điều đơn giản nhưng rất nhiều người không thể thực hiện được. Để có thể cải thiện về việc trên chúng ta có 3 quy tắc vàng là: TÔN TRỌNG, CÂN NHẮC và CHÂN THÀNH.

2. Sự hiểu biết (kiến thức, kĩ năng, bản thân và thế giới xung quanh)

  • Học vấn là mãi mãi và nó không bao giờ lỗi thời. Học không chỉ là sao chép những lý thuyết có sẵn mà đó là sự cải thiện là phát triển những kiến thức đó thành kiến thức mới của bản thân và được áp dụng trực tiếp trong cuộc sống.
  • Kĩ năng luôn là chìa khóa sống của bất cứ ai, nó giúp ta suy nghĩ và hành động để tạo nên một thể hệ mới tân tiến hơn và phát triển hơn.
  • Sự hiều biết không chỉ là những kiến thức xung quanh chúng ta, mà còn là về bản thân những con người xung quanh cuộc sống của chúng ta. Phân tích, thấu hiểu bản thân và con người, phá bỏ những rào cản cũ (dân tộc, tôn giáo, trình độ hay hình dáng) sẽ đem đến cho ta cái nhìn thực tế và chính xác nhất về “toàn cầu”.

3. Sự kiên trì (học hỏi, thất bại và vươn lên)

  • Luôn đặt ra câu hỏi tại sao để hiễu rõ những vấn đề mới.
  • Kiên nhẫn đối mặt với những thử thách, khó khăn và cả thất bại. Đó là đòn bẩy chứ không phải rào cản nếu bạn có đủ kiên trì theo đuổi và ý chí vượt qua chúng.

Những điều trên không phải là tất cả mà nó là những điều cơ bản nhất mà mỗi người cần có. Thoát ra khỏi vỏ bọc nói thì dễ nhưng làm không dễ. Chính vì thế chúng ta cần cố gắng mỗi ngày bằng những thói quen sống tốt vì hành động nhỏ sẽ tạo nên thành công lớn.

Chuẩn mực chỉ là những câu hỏi gợi mở, suy nghĩ và đánh giá là bước tiếp theo, và hành động là việc chứng tỏ bạn đã bước vào sự thành công để trở thành một công dân toàn cầu..

Như các nhà kinh doanh và đầu tư đã nhắc lại rất nhiều lần, cuộc sống hiện nay của chúng ta rất dễ dàng để chúng ta tiếp cận với toàn thế giới ngay trong ngôi nhà của mỗi người với sự trợ giúp của công nghê thông tin và mạng truyền thông. Đối với giới trẻ Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung “không gì là không thể”, việc có thể thành công hay không chỉ là vấn đề ở việc bạn có dám đối mặt, dám thử và bắt tay vào thực hiện hay không. Những người đi trước họ có rất nhiều kinh nghiệm ngay từ những hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn, vậy tại sao chúng ta không thử chủ động tạo mối liên kết với họ để học tập những điều bổ ích từ những trải nghiệm thực tế đó. Tạo mối liên kết không khó chỉ là bạn có thật muốn hay không. Như một bạn trong bài phỏng vấn khi được hỏi về khái niệm “global citizenship” cô ấy đã suy nghĩ rất lâu trong khi các bạn khác có những câu trả lời rất là sâu sắc và thuyết phục thì cô ấy lại trả lời rằng “ it is the unity”. Câu trả lời ấy đã đánh sâu vào nhận thức của em về khái niệm toàn cầu và thực trạng của giới trẻ Việt Nam hiện nay..

8
                                       Sự chuyên nghiệp trong tổ chức của BTC Today’s Voice

.Giới trẻ việt ngày nay ngày càng phát triển về trí tuệ và cả kĩ năng, họ luôn sẵn sáng để bước ra thế giới bên ngoài và đương đầu với những thách thức. Nhưng có một điều rằng dường như họ đã quá đam mê tranh đấu và vươn lên mà quên đi những mối quan hệ xung quanh mình. Họ trở nên “độc lập”, trở nên thờ ơ thậm chí là vô cảm đến mức công cụ hóa trong sự giao tiếp giữa con người với con người. Họ trở nên ích kỉ với những kiến thức mình có mà trở nên đa nghi và xa cách với sự chia sẽ và hòa nhập với chính những con người của đất nước mình. Hoặc là một số người họ lại sử dụng sự thông minh của mình để đạt được mục đích bản thân mà làm nên những việc trái pháp luật như lừa gạt, hãm hại lẫn nhau. Con người Việt Nam luôn được thế giới ca ngợi rằng đoàn kết, thân thiện và chân thành, nhưng những bản chất ấy hiện nay đang dần bị xóa mờ và biến mất. Vậy liệu cái nhìn mới, chuẩn mực mới của họ đã hướng về đâu và vì sao lại như thế? Vì sao những chuẩn mực cũ tốt đẹp chúng ta lại không phát triển mà dần lãng quên chúng? Chúng ta đang hòa nhập hay đang thật sự hòa tan? Liệu nguyên nhân thật sự là do sự kết nối với thế giới hay do chính văn hóa “tự tìm hiểu” của giáo dục Việt Nam?.

3
                           Khoảnh khắc đáng nhớ của các bạn sinh viên bên thầy Trần Vinh Dự

.Từ khi còn bé nền giáo dục của chúng ta đã vô tình đi theo lối mòn “cứ làm theo không cần suy nghĩ” và khi du nhập những điều mới thì lại theo phong cách “theo lý thuyết và tự tìm hiểu”. Tự học tập và tìm hiểu là một điều tốt nhưng đó là khi chúng ta có một nền tảng và có khả năng phân biệt, nhận xét và sàng lọc thông tin, đặc biệt đối với những thông tin hoàn toàn mới mẻ. Cơ sở lí thuyết là cần thiết nhưng quan trọng là cách tiếp nhận cái tốt để phát triển nền tảng cũ của mình, nếu không họ sẽ dễ quay trở lại lối mòn học cái mới và quên cái cũ vì không nắm rõ được ý nghĩa của việc thay đổi đó. Nguyên nhân gì khiến giới trẻ Việt chúng ta trở nên như vậy? Và cái họ đang hướng tới có đúng là “chuẩn mực mới” hay không?

Đó là những câu hỏi mà em đã đúc kết được sau buổi tọa đàm vừa qua. Những cảm nhận rất cá nhân, nhưng em thấy nó rất đáng quý và em rất vui để được chia sẽ với mọi người về những nhận thức này. Mong rằng em sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia nhiều chương trình dành cho giới trẻ như thế.

– Đàm Lệ Hồng – 

Tác giả: Cao Đẳng Việt Mỹ - Ngày viết: 27/10/2015

Danh mục: Tin tức - sự kiện

Tags: A NEW STANDARD, GLOBAL CITIZENSHIP, Today's Voice, tran vinh du, UNESCO-CEP

ĐỂ LẠI CÂU HỎI NẾU BẠN CÓ THẮC MẮC