Vừa qua ngày 31/11/2023, theo kế hoạch hoạt động của Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam – Hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch giai đoạn II (VDV), dự án đã tổ chức Hội thảo các bên liên quan để chia sẻ về kết quả hai cuộc đối thoại chính sách tại Đan Mạch vừa qua. Ngành thiết kế đồ hoạ của Cao đẳng Việt Mỹ cũng đã vinh dự góp mặt và có những ý kiến đóng góp và xây dựng xoay quanh các vấn đề chung về GDNN, nhằm truyền cảm hứng cho sự phát triển chính sách liên tục trong hệ thống GDNN của Việt Nam.
Đoàn công tác của Cao đẳng Việt Mỹ bao gồm các đại biểu: Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Thầy Phan Thành Sơn – Phó trưởng khoa thiết kế, Chị Nguyễn Thị Phượng Liên và Anh Nguyễn Lê Cao Bình – Đại diện phía doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Đối thoại Chính sách phát triển Giáo dục Nghề nghiệp lần thứ ba và cũng là lần cuối, các đại biểu đã tiếp tục trao đổi về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng như tổng hợp các giải pháp và ý tưởng về các vấn đề quan trọng liên quan đến kiểm soát chất lượng đào tạo, chuyển đổi xanh, số hóa và các chính sách thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Trọng tâm của cuộc Đối thoại là “Triển khai đào tạo và bảo đảm chất lượng” về sử dụng dữ liệu và số liệu thống kê trong giáo dục cũng như các biện pháp đảm bảo chất lượng ở cấp hệ thống và địa phương.
Phối hợp với các chuyên gia trong ngành của Việt Nam và Đan Mạch, đại diện của 12 trường cao đẳng tại Việt Nam, các doanh nghiệp địa phương và các đối tác quốc tế đã cùng nhau bàn luận, mở ra những hướng giải quyết cho các vấn đề như: Chúng ta sẽ cần có những kỹ năng gì để xây dựng một xã hội xanh và số hóa trong tương lai? Chúng ta cần làm gì để đảm bảo rằng giáo dục nghề nghiệp tiếp tục thúc đẩy các cá nhân và ngành nghề phát triển?
Về phía Cao đẳng Việt Mỹ, chị Lê Thị Phượng Liên đã có những ý kiến đóng góp về việc thu thập và xử lý dữ liệu giáo dục chất lượng ở cấp độ quốc gia tại Việt Nam, cần thay đổi cách thu thập thông tin để có sự thống nhất giữa các bên liên quan, cũng như cần chuẩn hoá hệ thống để phát huy tính chủ động và kết nối nhằm kế thừa và phát huy nguồn lực. Thầy Phan Thành Sơn cũng đã bày tỏ quan điểm về chủ đề ưu đãi chính sách cho nhà trường và doanh nghiệp sẽ nên được ưu tiếp cho khối giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam để tăng tính kết nối và có trách nhiệm của các bên trong quá trình đào tạo, cũng như việc số hoá các học liệu, quy trình dạy học, quản trị nhà trường nhằm củng cố hợp tác giữa doanh nghiệp và khối giáo dục nghề nghiệp với trọng tâm là chuyển dịch xanh, bền vững và số hóa.
Việc trao đổi ý kiến và kinh nghiệm giữa chuyên gia hai nước sẽ tạo nguồn cảm hứng cho việc phát triển chính sách giáo dục nghề trong tương lai ở Việt Nam. Cũng như chuẩn bị đón chờ hội nghị tổng kết diễn ra vào tháng 12 sắp tới, đánh dấu sự kết thúc của Giai đoạn II của Dự án.
Nguồn: Cao đẳng Việt Mỹ