Thầy Trần Công Danh – Những góc nhìn hiện đại của thầy giáo 9X

Sau quá trình học tập, trải nghiệm tại Pháp, rồi chọn về Việt Nam công tác trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, Thầy Trần Công Danh cũng đã được trải nghiệm và thử thách bản thân qua rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như Giáo dục, F&B… Dù bận rộn với nhiều công việc nhưng Thầy vẫn luôn dành một phần thời gian của mình cho công tác giảng dạy – đào tạo. Trường Cao đẳng Việt Mỹ là một trong những nơi Thầy cộng tác suốt gần 5 năm qua với vai trò là Giảng viên chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp – chương trình Cao đẳng Anh Quốc BTEC.

Hình ảnh thầy giáo 9x

Bắt đầu giảng dạy từ năm 25 tuổi, Thầy Danh lúc bấy giờ là một trong những giảng viên trẻ nhất tại trường Cao đẳng Việt Mỹ. Cũng vì thế mà Thầy Danh được biết đến là người rất thân thiện, gần gũi và thường xuyên tham gia các hoạt động sinh hoạt với các bạn sinh viên Việt Mỹ.

Như Thầy chia sẻ thì Cao đẳng Việt Mỹ là ngôi trường đầu tiên mà thầy giảng dạy. Thầy quan niệm rằng công tác giảng dạy là công việc của sự chia sẻ: “Tôi muốn được chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ, và ngược lại tôi cũng biết thêm nhiều thứ mới mẻ, hay ho được cập nhật từ chính các bạn sinh viên. Sự trải nghiệm của bản thân trong nhiều môi trường khác nhau; cùng với kiến thức mà chúng ta trao đổi sẽ giúp các bạn có được cái nhìn tổng quát hơn trong thực tế, góp phần định hướng cho bản thân.”

Áp lực thành công của người trẻ

Thế hệ trẻ chúng ta ngày nay đang chịu rất nhiều áp lực kỳ vọng từ gia đình và xã hội. Vấn đề này dần vô hình trở thành một gánh nặng, đôi khi khiến cho các bạn cảm giác mệt mỏi, hơi hướng suy nghĩ tiêu cực. Thầy nghĩ gì về vấn đề này?

Thầy Danh: Trước hết để biết được áp lực đến đâu thì chúng ta phải định nghĩa được hai chữ THÀNH CÔNG.

Cá nhân tôi nghĩ thành công không có thước đo một cách quy chuẩn. Có người định nghĩa thành công bằng số tiền mình kiếm được, lượng của cải vật chất mình tích luỹ. Nhưng cũng có người thành công là khi họ làm được những điều họ thích, tạo ra được giá trị cho bản thân, chia sẻ cùng xã hội. Cũng chính vì vậy mà có sự “chênh vênh” giữa những gì chúng ta thành công hôm nay với mong muốn và sự kỳ vọng của cha mẹ, những người xung quanh… Vậy phải làm sao để chúng ta xoá dần sự khác nhau đó, cũng như cảm thấy không còn áp lực?

Trước hết chúng ta phải không được thất bại. Không thất bại ở đây có nghĩa là bạn phải luôn cảm thấy hài lòng, vui vẻ với lựa chọn của mình. Chúng ta phải hiểu bản chất của sự kỳ vọng của gia đình xuất phát từ mong muốn bạn được tốt hơn, cuộc sống hạnh phúc hơn. Vì vậy, bạn hãy chứng tỏ rằng mình vẫn sống tốt, phát triển và hạnh phúc với công việc, với con đường, với cuộc sống mình đã chọn. Khi đó không lý do gì người khác buộc chúng ta phải thay đổi.

Vậy làm thế nào để thành công?

Thầy Danh: Đối với các bạn, khi còn trẻ hãy cứ mạnh dạn làm, mạnh dạn triển khai những gì trong khả năng và trình độ hiểu biết của mình. Ước mơ nào cũng tốt đẹp, quan trọng là bạn phải bắt đầu nó. Nếu có sai vẫn có thời gian để điều chỉnh, hoặc làm lại. Miễn sao chúng ta biết cách xây dựng kế hoạch và mục tiêu rõ ràng. Như bản thân tôi, tôi luôn có checklist cho mình sẽ làm gì, mục tiêu thế nào trong vòng 5 năm tới… may mắn là những mục tiêu đã qua tôi luôn hài lòng vì mình đã làm được.

Trong cuộc đời đôi khi vẫn có những bước ngoặc mà chính mình không ngờ. Quan trọng là chúng ta phải đối diện với mọi sự thay đổi, đó có thể là cơ hội mà cũng có thể là thách thức. Tại mỗi thời điểm như vậy hãy duy trì một tư duy tích cực và tiếp tục theo đuổi mục tiêu đã lựa chọn. Ví như tôi, cơ hội nhận học bổng du học Pháp là một bước ngoặc tuyệt vời, đầy thách thức vì khi ấy đối với tôi nước Pháp, tiếng Pháp còn khá lạ lẫm. Nhưng sau cùng khi vượt qua nó tôi trở nên hãnh diện với bản thân, điều đó giúp thay đổi cuộc sống của tôi rất nhiều.

Nếu như trong quá trình thực hiện, chúng ta gặp khó khăn hoặc phát hiện bản thân mình không phù hợp thì sao? Đừng vội từ bỏ, hãy thay đổi phương pháp, cách tiếp cận. Ví dụ khi làm ngân hàng, đôi khi người ta nghĩ công việc đó chỉ có những con số, tính toán, phân tích, đánh giá, …  Tuy nhiên, tôi không thích làm những công việc đó. Tôi biết mình phù hợp với việc giao tiếp, dịch vụ nên chọn những vị trí công việc phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực nào cũng đều có những mảng chuyên môn khác nhau. Vậy cuối cùng, thay thì các bạn chán nản, bỏ ngành thì hãy tìm những vị trí công việc trong cùng ngành nghề phù hợp với mình hơn.

Thành công đến từ may mắn hay sự nỗ lực ?

APC: Nhiều người cho rằng để thành công cần có may mắn. Suy nghĩ này khiến cho không ít bạn trẻ trở nên thụ động, và có xu hướng “chờ thời”. Thầy nghĩ sao về vấn đề này?

Thầy Danh: Đúng là chúng ta luôn cần một chút may mắn để thành công. Nhưng quan trọng là khi cơ hội tới, bạn đủ khả năng nắm lấy để thành công không?

Tôi cho rằng trong cuộc sống không có bất cứ thành quả nào là tự nhiên. Tất cả đều có quá trình chuẩn bị của nó. Vì thế tôi luôn khuyên các bạn hãy cứ cố gắng hết mình, liên tục. Thành quả có thể chưa hiển hiện ở hôm nay nhưng tương lai là điều chắc chắn nếu chúng ta biết xây dựng, vun trồng. Hãy chuẩn bị mọi thứ tốt nhất để khi cơ hội đến bạn có thể nắm giữ và thể hiện mình. Và bạn sẽ thấy đáng tiếc nếu ai đó trao cho bạn cơ hội và bạn không đủ khả năng thực hiện được. Vì thế đừng ngồi một chỗ mà chờ đợi nhé.

Và thêm nữa, đừng bao giờ tiếc nuối bất cứ điều gì đã xảy ra; hãy nghĩ đơn giản đó là kinh nghiệm của bản thân cho những lần gặp lại tương tự trong tương lai.

Quan điểm giáo dục hiện đại

APC: Tính đến nay, đã gần 5 năm kể từ khi thầy Danh gắn bó với Việt Mỹ. Vậy điều gì đã giữ chân một người bận rộn như thầy ở lại với các bạn sinh viên Việt Mỹ?

Thầy Danh: Lần đầu tiên tôi được biết về trường Việt Mỹ qua một người bạn (cũng là một giảng viên ở trường), cùng với ấp ủ tham gia công tác giảng dạy từ lâu nên tôi đã mạnh dạn trải nghiệm. Tuy nhiên điều giúp tôi gắn bó lâu với trường có lẽ là ở quan điểm giáo dục và định hướng phát triển từ Ban lãnh đạo nhà trường.

Ban đầu, khi tôi tiếp xúc với thầy Đoàn – khi đó là Giám đốc chương trình BTEC (nay là Hiệu trưởng) tôi đã khá hứng thú về định hướng của chương trình. Sau này qua quá trình làm việc thêm với các thầy cô khác tôi càng củng cố thêm điều này.

Cụ thể là gì, tôi nghĩ đó là một tư duy đổi mới trong giáo dục hiện đại. Không ngẫu nhiên mà phần lớn thầy cô tham gia giảng dạy chương trình Cao đẳng Anh Quốc BTEC đã từng được đào tạo ở nước ngoài, có kinh nghiệm làm việc thực tế. Chúng tôi đồng quan điểm về một chương trình giáo dục cởi mở, phù hợp với những chuẩn mực quốc tế mà trường đang theo đuổi.

Chúng tôi đều xác định rằng: Học là để hành. Giảng viên không đòi hỏi các bạn sinh viên phải học thuộc lòng, trả bài theo nội dung lý thuyết đơn thuần mà luôn đặt vấn đề bạn ứng dụng nó trong công việc, đời sống hàng ngày ra sao. Chúng tôi chỉ cần các bạn làm được, dù chỉ là những việc nho nhỏ.

Đặc biệt tại Việt Mỹ, các bạn sinh viên được tự do, thoải mái phát triển năng lực bản thân. Cùng với đó là nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khoá thú vị, vui tươi. Có lẽ vì vậy mà cho dù công việc bận rộn tôi vẫn cố gắn duy trì những giờ giảng dạy tại trường để kết nối, chia sẻ cũng như trải nghiệm thêm môi trường sinh viên trẻ trung, năng động.

Tác giả: Cao Đẳng Việt Mỹ - Ngày viết: 04/09/2019

Danh mục: Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tin tức - sự kiện

Tags: APC, cao dang viet my, giảng viên, Trần Công Danh

ĐỂ LẠI CÂU HỎI NẾU BẠN CÓ THẮC MẮC

GỬI BÌNH LUẬN

Hãy bình luận/đặt câu hỏi cùng Cao Đẳng Việt Mỹ ngay nhé.
Thông tin của bạn sẽ không được hiển thị công khai.
Các trường bắt buộc được đánh dấu *