NHẬT BẢN – CƠ DUYÊN HÉ MỞ

Hoàng Long tiên sinh, đó là biệt danh đặc biệt mà sinh viên ngành Phiên dịch tiếng Nhật kinh tế thương mại tại Cao đẳng Việt Mỹ dành tặng cho Thạc sỹ Hoàng Long – giảng viên chính của khoa tiếng Nhật. Thạc sỹ Hoàng Long là người đam mê văn học, văn hóa Nhật Bản và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch thuật. Hãy cùng đọc bài viết này để hiểu hơn về văn hóa Nhật, về công việc biên dịch và từ đó sẽ hiểu được người học biên phiên dịch tiếng Nhật sẽ cần có những tố chất nào nhé.

NHẬT BẢN – CƠ DUYÊN HÉ MỞ

Có những mối duyên trong đời vô cùng kỳ lạ, không giải thích được. Khi tôi còn là một cậu bé vào khoảng năm 13,14 tuổi (năm 1994) trên Đà Lạt lần đầu tiên được xem chiếc tivi trắng đen về phim samurai Nhật Bản tôi đã thấy vô cùng cảm phục. Sao con người ta có thể trọng danh dự đến đánh đổi sinh mệnh và sống một cuộc đời đẹp đẽ như thế chứ? Từ đó tôi bắt đầu quan tâm tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản. Tôi càng cảm phục hơn khi biết Nhật Bản đã vươn dậy từ tro tàn của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và trở thành cường quốc kinh tế như thế nào.

Khi bước chân vào đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 1997, bên cạnh ngành văn chương, tôi đăng ký thêm ngành Đông Phương học, chuyên ngành tiếng Nhật để quyết tâm tìm hiểu văn hóa văn học Nhật Bản. Và đến một buổi chiều tôi không bao giờ quên, khoảng năm 2000, khi tôi vô tình mượn được quyển tiểu thuyết “Chiếc chìa khóa” của Tanizaki Junichiro do Phạm Thị Hoài dịch từ bản tiếng Anh. Nhưng tôi đọc mê mải suốt một buổi chiều, quên cả giờ học Ngoại ngữ. Và tự nhiên, khi đọc xong quyển sách lúc khoảng 6 giờ chiều, nhìn ra sân trường thoảng hương ngọc lan, tôi quyết tâm mình phải cố gắng học và dịch được một tác phẩm văn học Nhật từ nguyên tác để cống hiến cho cuộc đời.

Nói cho rõ thêm về tình hình lúc đó thì vào khoảng những năm 1997 – 1998 tiếng Nhật không thịnh hành bằng tiếng Anh và hầu hết số lượng tác phẩm văn học Nhật Bản được dịch ra tiếng Việt đều qua ngôn ngữ trung gian. Do đó những người tôi theo học thì hoặc là chỉ biết tiếng Nhật hoặc là chỉ biết về văn chương. Không ai đủ tầm đọc tác phẩm văn học Nhật từ nguyên tác để chỉ dẫn cho tôi cả. Thành ra tôi phải tự học. Sau này được đi Nhật năm năm để học và làm việc, đồng thời dịch một vài tác phẩm của Dazai tôi mới thấy mình đã trả nợ được cho riêng ý nguyện thời tuổi trẻ của mình. Và tôi mong rằng sẽ có những bạn trẻ đọc xong “Thất lạc cõi người” hay “Tà dương” mà cảm phục văn học Nhật, để quyết tâm dịch ra nhiều tác phẩm văn học kinh điển để đời. Như vậy thì ngọn lửa say mê văn học Nhật sẽ được tiếp nối mãi.

Chính vì ý nguyện muốn dịch một tác phẩm từ nguyên tác để đời đó mà tôi luôn chọn dịch những tác phẩm kinh điển, lần đầu được giới thiệu ở Việt Nam. Đầu tiên là dịch truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata Yasunari, sau đó là bộ ba “Thất lạc cõi người”, “Tà dương”, “Nữ sinh” của Dazai Osamu, bộ ba “Công ty cung cấp yêu tinh”, “Khu vui chơi của anh N” và “Ác quỷ chốn thiên đường” của bậc thầy truyện ngắn và cực ngắn Hoshi Shinichi. Ngoài ra còn có tiểu thuyết “Nhạn” của Mori Ogai, “69” của Murakami Ryu, tuyển tập truyện ngắn Nhật Bản “Trăng cười”, “Lưỡi dao cạo”, tuyển tập truyện ngắn Murakami Haruki. Những bài nghiên cứu về văn học văn hóa Nhật cũng như thơ haiku hiện đại Nhật Bản được tôi gom lại và in trong quyển “Bông hồng cho ngày tháng không tên”, sử dụng làm giáo trình cho sinh viên ngành tiếng Nhật.

Có một kỷ niệm rất vui là khi tôi còn ở Nagoya, Nhật Bản, tôi được tác giả Nakamoto Teruo qua một người bạn thân quen biết lặn lội từ Okayama lên thăm và nhờ tôi dịch quyển “Mộ bia giữa biển” (Mảnh đất cuối cùng nơi người cha nằm lại) nói về hành trình sang Việt Nam tìm hài cốt cha mình vốn mất tích trong Chiến tranh thế giới II. Tôi đã rất cảm động và nhận lời dịch quyển sách sang Việt ngữ. Ông cũng đã sang Việt Nam thăm tôi và cùng về Quảng Ngãi, nơi ông và bạn bè của mình đã quyên góp xây dựng một ngôi trường mầm non để cảm ơn Việt Nam.

Tôi thích tất cả tác phẩm của Dazai Osamu vì sự thành thật và cố gắng không mệt mỏi để làm người. Tác phẩm của ông để lại không nhiều nhưng luôn day dứt ám ảnh. Sự mâu thuẫn giữa nội tâm và đời sống cá nhân với “thế gian” luôn làm chúng ta khắc khoải đau đớn. Nhưng cuối cùng, không có gì xứng đáng hơn là được sống cuộc đời của chính mình và theo cách mình mong muốn. Đó là những nhân vật thua cuộc như Oba Yozo trong “Thất lạc cõi người”, Naoji trong “Tà dương” hay các nhân vật làm nên đại sự khác theo cách riêng của mình mà giữa “thế gian” và “tha nhân” không thể nào hiểu thấu và cũng không thể giãi bày. Như trong “Tà dương”, tiểu thư dòng dõi quý tộc Kazuko đã cam chịu làm mẹ đơn thân và chọn cái chết héo tàn trong cao quý, nhà văn Uehara (người tình của Kazuko) chấp nhận tự hủy hoại trong rượu bia, trụy lạc để phản kháng hay cô nữ sinh trung học trong tác phẩm “Nữ sinh” bắt đầu cảm nhận sự phức tạp của thế gian cũng muốn sống một cuộc đời đẹp đẽ. Dĩ nhiên, sống theo ý mình thì buộc phải trả cái giá tương xứng với điều đó. Nhưng tiếng gọi trong tâm tư sâu kín vọng về những đêm vắng lặng sẽ phản tỉnh ta đi đúng hướng. Tôi cũng thích đoạn cuối truyện “Tiếng dế nỉ non” về lời nhắc nhở tiếng kêu hiu hắt xa xăm của nghệ thuật mà nếu chúng ta không cẩn thận sẽ bị những lời hư vinh và sự tán dương khuất lấp: “Khi em tắt đèn nằm ngửa nhìn lên trần nhà thì nghe dưới lưng em có tiếng dế kêu rền rĩ. Tiếng dế kêu ở dưới hành lang bên ngoài nhưng nghe vang vọng ngay từ dưới lưng em khiến em cảm thấy tiếng dế như nỉ non từ trong xương sống của em vậy. Em định sẽ sống cả đời với tiếng kêu hiu hắt nhỏ bé kia cất giữ mãi trong xương cốt”

“電気を消して、ひとりで仰向に寝ていると、背筋の下で、こおろぎが懸命に鳴いていました。縁の下で鳴いているのですけれど、それが、ちょうど私の背筋の真下あたりで鳴いているので、なんだか私の背骨の中で小さいきりぎりすが鳴いているような気がするのでした。この小さい、幽かな声を一生忘れずに、背骨にしまって生きて行こうと思いました。”

Là một người sáng tác văn chương chuyên về truyện cực ngắn và thơ haiku, tôi thấy việc dịch thuật cũng giúp cho việc sáng tác văn chương rất nhiều. Ngoài vấn đề sáng tác và tư tưởng, việc đọc văn học Nhật từ nguyên tác giúp tôi hiểu được văn phong, bút pháp, nghệ thuật tu từ của nhà văn mà thường không thể tái hiện lại trong khi đọc bản dịch. Vì thế việc cảm thụ cũng sâu sắc hơn, đúng với tinh thần “Uống nước tận nguồn”.

Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã đi theo con đường dịch thuật văn học Nhật được 23 năm, một thời gian đủ dài để chiêm nghiệm những điều mình đã học được. Và tôi rất mừng là niềm say mê vẫn còn như những ngày đầu tiên, vui hơn nữa tôi vẫn còn là con người của thuở xa xưa ấy, chưa từng đánh mất mình trước hư vinh. Nhưng tôi luôn phải cảnh giác. Mỗi ngày đều phản tỉnh (hansei), có phản tỉnh mới có tiến bộ được. Thế giới rất phức tạp và cách hay nhất để đi qua nó là “xuyên qua chỗ nông cạn của đam mê” (sesshu). Hơn nữa Lão Tử cũng nói “lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì yên”.

NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ VĂN HỌC – VĂN HÓA NHẬT BẢN

Ngôn ngữ là cánh cửa mở vào một khu vườn văn hóa. Và hiểu được một nền văn hóa là chúng ta có thêm một đôi mắt khác để ngắm nhìn thế bên ngoài khi chúng bị giới hạn bởi nền văn hóa bản địa của chính ta. Việc đọc trực tiếp nguyên tác Nhật ngữ còn giúp tôi hiểu về những suy nghĩ của người Nhật Bản và giúp cho việc học hỏi được toàn diện hơn. Tựu trung lại, tôi học được từ Nhật Bản triết lý cuộc sống và quan điểm mỹ học. Về triết lý có khái niệm ikigai (ý nghĩa cuộc đời), sơ tâm (shoshin) và “cải thiện không ngừng” (kaizen). Nói một cách giản dị, việc tìm ra ý nghĩa cuộc đời giúp đời ta trở nên đáng sống.

Việc nhớ niềm vui thuần khiết ban đầu trên con đường mình đã chọn giúp ta có thể kiên trì bền lâu và không dễ sa chân vào cám dỗ dục vọng hay vinh quang ảo ảnh. Việc cải thiện không ngừng công việc, nâng cao miệt mài phẩm chất sống giúp chúng ta vươn đến những điều đẹp đẽ cao khiết và làm cuộc đời ta trở nên ý nghĩa hơn.

Về mỹ học, tất cả khái niệm mỹ học Nhật Bản như mono no aware, wabi, sabi, mujo (vô thường)… đều mang trong mình nội hàm ý nghĩa của sự diệt vong. Vì thế chúng ta phải biết trân trọng hiện tại và chấp nhận thanh thản sự tàn phai không tránh khỏi của những dòng đời tương tục trên ngọn sóng thời gian.

Từ quan niệm triết lý và mỹ học đó, ta có thể hình thành cho mình một triết lý cá nhân. Đó chính là những nguyên tắc sống. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, đôi khi lạc lối hoang mang, ta phải quay trở về với những nguyên tác cơ bản để kiên trì đi tiếp. Không phải lúc nào chạy nhanh cũng tốt. Đừng thấy người ta chạy mình cũng chạy theo mà đều đầu tiên cần phải biết mình chạy đi đâu đã. Nếu đi sai đường chỉ cần dừng lại cũng đã là một bước tiến lớn. Cho nên những nguyên tắc sống này giúp chúng ta điều gì thật sự quan trọng với chính mình để từ đó biết làm gì và đi đâu. Có thể xem đó như một bộ “công cụ tinh thần” để ta có thể dựa vào mà đưa phán đoán cho riêng mình.

THẾ HỆ TRẺ LÀ TƯƠNG LAI KẾ THỪA GIÁ TRỊ

Thế hệ trẻ bây giờ có đầy đủ điều kiện thuận lợi để học hỏi những gì mình muốn học cũng như vui chơi giải trí. Họ năng động và nắm bắt rất nhanh những thay đổi của công nghệ và cuộc sống. Nhưng tôi thấy nhiều bạn thiếu kiên nhẫn và không biết làm gì với cuộc đời mình. Có những điều tuy xưa cũ nhưng luôn quan trọng và còn chính xác đến tận bây giờ. Một trong những điều đó là tìm ra được một công việc yêu thích mà mình có thể cung hiến trọn cuộc đời và sau đó là kiên trì cho đến cuối đường. Về lâu dài, ta đều sẽ nhận được danh tiếng mà ta xứng đáng. Cuộc đời này cái gì cũng có giá của nó. Không có con đường tắt đi đến thành công. Muốn nuôi dưỡng một cây cổ thụ phải biết chờ đợi một trăm năm. Chúng ta cần kiên trì nỗ lực và đừng than vãn. Hãy biết cô đơn sang trọng và buồn rầu quý phái, đẹp đẽ như người mẹ trong tác phẩm “Tà dương” của Dazai.

Những bạn nào muốn bước chân vào con đường dịch thuật văn học Nhật Bản càng phải kiên trì. Tiếng Nhật rất khó, để nắm vững thành thạo phải mất năm năm, đọc được nguyên tác phải mất thêm hai ba năm nữa. Nếu không chuẩn bị tinh thần trước về những khó khăn sẽ gặp phải, ta sẽ rất dễ ngã lòng. Nhưng nếu ta biết bỏ qua những niềm vui trước mắt, học hỏi trong khi những người khác vui chơi, làm việc trong lúc người khác nghỉ ngơi thì cuối cùng ta sẽ có một cuộc sống xứng đáng. Nhớ là đừng bao giờ đánh mất chính mình. Thành công mà đánh mất chính mình là điều vô nghĩa.

Mỗi ngày hãy biết ơn những gì mình đang có và đừng bao giờ quên câu cám ơn khi người khác làm điều gì đó tốt đẹp cho mình, dù là nhỏ nhất. Phần thưởng cho một ngày cố gắng nỗ lực sẽ luôn là một giấc ngủ ngon lành. Ngoài ra hãy luôn đọc sách, đặc biệt là sách triết học để không ngừng mở rộng vốn ngôn ngữ và qua đó là thế giới riêng của riêng mình vì “giới hạn ngôn ngữ của tôi chính là giới hạn của thế giới tôi” (Wittgenstein).

TRỌNG NGHĨA

———————————————————————————————-

Đôi nét về nhà văn, dịch giả Hoàng Long:

–  Nhà văn, dịch giả Hoàng Long, sinh ngày 21/01/1980, tại Đà Lạt.

– Cử nhân Đông Phương học (chuyên ngành tiếng Nhật), Thạc sĩ Văn hóa học.

– Du học Nhật Bản 5 năm để học ngôn ngữ và văn hóa Nhật (bằng tiếng Nhật N1) để có thể dịch tác phẩm văn học Nhật từ nguyên tác.

– Hiện là Giảng viên thỉnh giảng các môn lý thuyết dịch, dịch văn học Nhật Bản, tiếng Nhật cao cấp, trích giảng văn học Nhật Bản, triết học trong cuộc sống tại các trường đại học và cao đẳng thành phố Hồ Chí Minh.

– Viết văn, làm thơ, nghiên cứu, dịch thuật văn học Nhật Bản. Đã in 22 quyển sách kể cả sáng tác và dịch thuật.

– Vẫn đang chập chững đi trên con đường đã chọn với sự thận trọng và chăm chỉ học hỏi mỗi ngày. Hai câu ngạn ngữ yêu thích nhất “đừng bao giờ quên cái sơ tâm” (初心忘れるべからず) và  “có gieo trồng mới có gặt hái” (まかぬ種は生えぬ)

“Chúng ta đánh giá một con người qua hành động chứ không phải lời nói. Cũng vậy nhà văn được đánh giá bằng tác phẩm chứ không phải chỉ bằng lời ngợi khen. Hãy kiên trì làm việc trong im lặng và để tác phẩm của mình cất lên tiếng nói. Liên tục sáng tạo giúp con người giữ gìn phẩm giá và hoàn thiện nhân cách của chính mình.”

Tác giả: Cao Đẳng Việt Mỹ - Ngày viết: 28/04/2020

Danh mục: Phiên dịch tiếng Nhật kinh tế thương mại, Tin tức - sự kiện

Tags: Thầy Hoàng Long

ĐỂ LẠI CÂU HỎI NẾU BẠN CÓ THẮC MẮC

GỬI BÌNH LUẬN

Hãy bình luận/đặt câu hỏi cùng Cao Đẳng Việt Mỹ ngay nhé.
Thông tin của bạn sẽ không được hiển thị công khai.
Các trường bắt buộc được đánh dấu *