Lê Giang Huynh: “Hãy để giấc mơ của mình lên tiếng”

Hãy để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện về một cậu bạn, người mà đã từng đứng trước những ngã rẽ quan trọng của cuộc đời và không biết nên về đâu.

hinh nhap

Tuổi mười tám, cái tuổi của nhiều ước mơ và hoài bão, của một tâm hồn tươi mới tràn trề năng lượng, đã đến với cậu ấy nhanh đến nỗi lúc giật mình nhận ra thì cũng là lúc thời học sinh sắp kết thúc và cậu phải bước vào những kì thi cam go phía trước. Ở cái vùng quê miền trung xa xôi ấy, cậu chỉ có hai sự lựa chọn: ráng học để thi vào một trường đại học thật tốt rồi sau này có việc làm hoặc là phải ở nhà làm nông. Nhưng “học là phải học trường công cho đỡ tiền học phí, chứ học trường tư vừa không có tiếng tăm gì, ra trường không biết xin được việc hay không, vừa phải đóng cả đống học phí.” Họ nói vậy… Rồi bố cậu khuyên cậu thi vào một trường đại học top đầu về ngành kỹ thuật, để sau này lúc ra trường cậu có thể vào nhà máy nơi bố cậu đang làm để làm việc, không lo về kiếm việc làm. Cậu lưỡng lự. Biết làm sao khi cậu chỉ giỏi Anh văn, những môn khoa học tự nhiên của cậu không đủ giỏi?

Trái mọng thứ mười tám của cậu có vị đắng.

Gia đình cậu xảy ra chuyện. Bố mẹ cậu nhiều lần to tiếng với nhau. Cái khoảng thời gian đáng ra phải là đẹp nhất của cậu lại bị nhuốm một màu xám ngắt. Nhiều lúc cậu chỉ muốn ở trên trường hoặc đi đến nhà bạn để học, để quên đi hết những chuyện đang xảy ra ở nhà. Bạn có thể nói cậu ấy hèn nhát. Cậu cũng tự nhận thấy như vậy, cậu trốn tránh chuyện gia đình mình, cậu vùi đầu vào những bài toán, những công thức rồi những phương trình. Trong đầu cậu bây giờ có quá nhiều thứ chen ngang, cậu như mệt mỏi phải suy nghĩ về những ước mơ, hoài bão của mình. Cậu cầm lên tấm bản đồ đã được vẽ sẵn và đưa mình đi trên con đường đó, con đường trở thành một kỹ sư điện.

Ngày cậu nhận được thư báo trúng tuyển của Đại học Bách Khoa, bố mẹ, bạn bè, thầy cô chúc mừng cậu. Cậu cũng vui mừng…

Thật sao?

Trên chuyến xe rời miền quê bé nhỏ để đến với đất Sài Gòn xa xôi, cậu gạt đi giọt nước mắt của mẹ, nuốt từng lời dặn của bố, gật đầu với lời hứa cố gắng học giỏi để trở thành một kỹ sư điện. Cậu nhìn về con đường qua khung cửa sổ xe khách, rồi cậu sẽ như chiếc xe chạy về phía trước, hay như con đường bị cuốn về phía sau?

Sự cô đơn không chỉ giới hạn ở việc bạn không có ai bên cạnh, mà còn là lúc xung quanh bạn có nhiều người, nhưng không tìm thấy ai đồng điệu.

Năm đầu tiên của đại học không đơn giản như cậu nghĩ. Nếu nói cậu cố gắng để học để thi những môn khoa học tự nhiên như lúc thi đại học thì còn dễ, chứ hằng ngày phải tiếp xúc trong vòng mấy năm như thế liên tục thì rất khó. Điểm học kì đầu của cậu không cao, cậu chẳng biết phải làm sao. Cậu nghĩ rằng đó chỉ là sự thay đổi môi trường học tập từ cấp 3 sang đại học, và tự nhủ rằng rồi cậu cũng quen thôi, rồi mọi chuyện sẽ khá lên. Nhưng đến năm hai, mọi chuyện vẫn không khả quan mấy, những con số, những phương trình, những bài toán liên tiếp làm cho cậu mệt mỏi. Niềm vui duy nhất của cậu là tại lớp Tiếng Anh, tuy mỗi tuần chỉ có một buổi nhưng nó lại giúp cậu trở về làm chính mình. Cậu bắt đầu cảm thấy lạc lõng trong những khoảng thời gian còn lại. Học ở trường thiên về khoa học tự nhiên nhưng những gì cậu yêu thích và giỏi đó là ngoại ngữ, thuyết trình viết lách…

Theo đuổi ước mơ, thành công sẽ theo đuổi bạn.

Cậu bắt đầu cảm thấy chán nản với khoảng thời gian đi học của mình, sự yêu thích của cậu đối với nó giảm dần qua từng ngày, cậu bắt đầu đặt dấu hỏi cho quyết định của mình. Liệu rằng nó có đúng khi theo con đường này? Liệu rằng cậu nên tiếp tục?

Vào một ngày thứ bảy như thường lệ, cậu lướt qua mạng xã hội, đọc vài bài báo mạng, xem một vài clip…như cậu vẫn thường làm. Cậu lướt thấy một bộ phim của Ấn Độ, 3 Idiots, do bạn bè cậu chia sẻ và nói rằng nó rất hay. Cậu xem một mạch. Cậu cười hả hê với những tình tiết vui nhộn trong phim. Và cậu khóc… Cậu khóc không chỉ vì bộ phim cảm động, mà đấy cũng là khóc vì nhận ra rằng cậu cần phải tìm ra con đường của bản thân mình. Dù cậu vẫn chưa biết nó là gì, nhưng chắc chắn nó không nằm trên giảng đường với những con số chạy dài và những dấu tích phân cậu thường vò đầu bứt tai.

Và thế là cậu quyết định nghỉ học.

Cậu lén gia đình nghỉ học, đi làm, thử thách bản thân để biết mình cần gì, muốn gì. Cậu làm nhiều việc, từ gia sư đến phục vụ bàn cho nhà hàng thức ăn nhanh, hay quán cà phê… Rồi cậu nhận ra, niềm vui của cậu là nụ cười của sự hài lòng khi họ được cậu phục vụ, là sự thay đổi từ một người mệt mỏi bước vào quán với cái bụng đói meo giữa trưa nắng nóng để rồi đi ra với nụ cười tràn đầy năng lượng. Cậu dần nhận ra con đường của mình.

Sự đáng sợ bắt đầu lúc bạn bắt đầu sống với hai bộ mặt và đỉnh điểm khi bạn cảm thấy quen với cuộc sống đó.

Trong khoảng thời gian một năm ấy, cậu ta không dám liên lạc với bạn bè, ít hẳn đi những cuộc gọi với gia đình. Cậu sợ… sợ lắm khi phải đối mặt với họ. Khi họ hỏi cậu học hành dạo này như thế nào, cậu chỉ cười rồi nói “cũng được” mong mọi chuyện sẽ trôi qua. Cậu sợ phải liên tiếp nói dối những người cậu yêu thương, hơn thế cậu sợ cái cảm giác lúc cậu quen với chuyện nói dối ấy. Vì thế, cậu rào chắn bản thân lại, giữ cho mình một khoảng không gian riêng đủ an toàn để mọi người không phải tiếp tục nghe những lời nói dối từ cậu, và hơn hết, đủ an toàn để cậu không phải làm tổn thương chính cảm xúc và con người mình bằng những lần nói dối đó.

Hãy nói ra hết đi!

Cậu làm sao dám cất lời khi mang trên mình những lời hứa, những kì vọng của gia đình. Cái cảm giác bị bóp nghẹn bằng chính suy nghĩ của mình làm cậu mệt mỏi. Rồi bố mẹ sẽ nghĩ cậu như thế nào? Rồi tất cả những kế hoạch tương lai được vẽ ra từ trước bị đổ vỡ mọi chuyện sẽ ra sao? Bạn bè, hàng xóm, họ hàng sẽ nói gì khi biết cậu như thế? Những câu hỏi cứ vây chặt lấy tâm trí cậu. Cậu quyết định hãy cứ im lặng thế này, sau này ra sao thì tính tiếp.

Về phần học tập, cậu đã quyết định tìm chọn cho mình một ngôi trường tốt về những ngành liên quan đến ngành nhà hàng khách sạn, đăng ký nhập học rồi vừa học vừa làm. Cậu hoàn toàn mù mịt thông tin về những ngôi trường này, hơn nữa cái suy nghĩ cao đẳng xét tuyển không thi cử thì thường không ra gì vẫn nằm đâu đó trong tiềm thức của cậu, nó được tạo dựng từ gần hai thập kỉ giáo dục với những bài học thuộc lòng từ sáng đến chiều muộn, bài thi dài ngoằng chán ngán. Cậu quyết định chọn một ngôi trường với tên gọi nghe có vẻ rất “tây” và cả chương trình giảng dạy cũng “tây” nốt đó là chương trình bằng đôi BTEC của Vương Quốc Anh do trường Cao Đẳng Việt Mỹ đào tạo. Cậu quyết định đạp xe hơn 6km từ Quận 10 sang Quận 7 để tìm hiểu. Một ngôi trường không to lắm như ngôi trường cũ của cậu, nhưng nó hiện đại và đẹp một cách sang trọng. Một chị tư vấn đã giải đáp những thắc mắc và đưa cậu đi tham quan ngôi trường. Từ cách bài trí và cả cơ sở vật chất đều làm cậu phải ngạc nhiên. Nó quá tốt so với một người nhà quê như cậu có thể tưởng tượng ra. Và cậu quyết định lấy hồ sơ về hoàn tất thủ tục nhập học.

Những chuyện phải đến rồi cũng đến.

Những ngày cuối năm với khí trời se se, không quá lạnh để phải mặc những chiếc áo dày cộm, nhưng đủ để làm cậu phải rùng mình khi nhớ lại. Cậu nhận được điện thoại của bố với nội dung cơ bản là tại sao kết quả học tập của cậu lại không có trên website trường. Cậu ậm ờ chống chế. Rồi hôm sau cậu nhận được cuộc gọi khác từ bố với nội dung: “cả năm nay con có đi học không vậy?”. Cậu giật mình, cúp máy. Cậu bắt đầu lo sợ không biết phải nói như thế nào. Tiếp sau đó là những cuộc gọi liên tiếp từ bố mẹ cậu. Cậu ngồi trong góc phòng, nhìn chiếc điện thoại, không dám nhấc nó lên. Cái cảm giác như thế giới đang từ từ sụp đổ trước mặt cậu dày vò cậu đến nỗi cậu chỉ biết thức và ngủ, thức dậy rồi ngủ, trong vòng một tuần. Vắng dần những bữa ăn và những lần ra khỏi nhà. Đến khi cơ thể cậu gần gục ngã, cậu quyết định đánh liều một phen. Cậu viết ra một bức email và gửi cho cả bố lẫn mẹ cậu, kể hết mọi chuyện, từ chuyện học hành, đến suy nghĩ và dự định của cậu. Sau khi nút gửi được nhấn, cậu hồi hộp chờ đợi.

Gia đình có đồng ý với quyết định của em không?

Cậu vẫn còn nhớ như in cái câu hỏi đó của chị tư vấn viên khi cậu đăng kí học ở trường. Cậu không biết phải trả lời như thế nào, hơi im lặng trong chốc lát, cậu nói lên một tiếng “Có”. Trong thâm tâm cậu luôn ao ước rằng, bố mẹ sẽ đồng tình với cậu, sẽ mỉm cười và chấp nhận cậu với những quyết định này.

Cuộc điện thoại từ mẹ cậu vang lên. Mẹ cậu khóc, cậu cũng khóc. Một người mẹ như vỡ òa khi liên lạc được với đứa con của mình, khi hiểu được về nó. Một đứa con được trút bỏ mọi gánh nặng trên vai, được sự ủng hộ của gia đình, được thật sự giải thoát. Hai người trò chuyện rất nhiều, điều cậu nhớ nhất về lần đó là câu nói “Tại sao con không nói với má? Má chỉ tiếc cho thời gian hai năm của con thôi, chứ lúc trước con có học cao đẳng, trung cấp, rớt đại học đi học nghề thì má cũng ủng hộ. Nhớ lần sau có gì cũng phải nói với má nghe chưa?” Sau rất lâu rồi cậu mới được khóc thỏa lòng như vậy, mọi thứ vướng bận trong lòng cậu đều trôi dòng nước mắt mà chảy ra ngoài.

Tết năm đó là cái Tết đáng nhớ nhất cuộc đời cậu.

Nhà trường tạo điều kiện cho những bạn có mục tiêu và định hướng rõ ràng, có khả năng và sẵn sàng giúp ích cho xã hội.

Trước khi nhập học chính thức, cậu quyết định thi học bổng của trường. Mục đích chính cũng là nhằm giúp giảm đi một phần chi phí học tập sắp tới mà cậu đã lãng phí trong suốt hai năm trước. Câu hỏi ở phần viết luôn làm cậu nhớ mãi. Cậu chưa bao giờ nghĩ về mình trong tương lai sẽ như thế nào. Nhớ lần thi học bổng này mà cậu đã ngồi lại, suy nghĩ một cách thật nghiêm túc về bản thân, về những dự định, ước mơ và hình ảnh bản thân trong tương lai. Một người đầu bếp có cửa hàng riêng với những món ăn quê hương miền trung.

Nhờ sự giúp đỡ của các anh chị tư vấn và sự thân thiện của các thầy trong hội đồng phỏng vấn nên cậu đã đạt được suất học bổng khá cao của trường. Điều này giúp ích rất lớn trong quá trình học tập ở trường cũng như quá trình xây dựng ước mơ của mình.

Học ở đây cậu mới biết nơi đây mới đúng là nơi cậu thuộc về. Từ việc cậu được thường xuyên tiếp xúc, sử dụng và luyện tập tiếng anh của mình đến việc được các thầy cô chỉ dạy những thứ rất căn bản nhưng chưa bao giờ cậu được học trước đây.

Cậu được học sử dụng toilet, thang máy, bàn ghế cùng các thiết bị khác. Nghe có vẻ hơi kì, nhưng cậu nhận ra rằng, những thứ nhỏ như vậy đánh giá được bản tính của con người rõ nhất. Các thầy cô dạy cho cậu cách quản lý thời gian, cách nghiên cứu và sử dụng tài liệu, cũng như sự đa dạng và bình đẳng, những thứ mà giờ đây, cậu cảm thấy quý báu vô cùng.

Ở đây cậu thấy mình được mở mang tầm hiểu biết của mình rất nhiều. Cậu được đi đến những nhà hàng khách sạn nổi tiếng khi mới chỉ là sinh viên năm nhất để tham quan, kiến tập. Được học hỏi, làm việc nhóm và báo cáo lại trước ban giám đốc của một tập đoàn lớn. Cậu được thầy cô đưa tay kéo ra vũng sâu của những ngày tháng chìm đắm trong bài vở, giảng đường và những con chữ khô khan. Cậu được tiếp xúc nhiều hơn với thực tế với những gì sau này sẽ là một phần cuộc sống của cậu.

Hơn thế nữa, đây là nơi cậu có thể thể hiện và thử thách bản thân mình. Lần đầu tiên cậu được hợp tác cùng những người bạn trẻ năng động, dưới sự hướng dẫn của thầy cô và các anh chị khác tổ chức một buổi hội chợ sinh viên. Lần đầu tiên cậu ấy được đắm chìm trong những suy nghĩ, vận dụng toàn bộ những khả năng của cậu để viết những bài luận báo cáo, phải chăm chút từng ý, từng luận điểm rồi đến cách trình bày. Những thứ trước kia cậu coi là đơn giản chỉ cần lên mạng rồi chép xuống.

Chỉ trong vòng gần một năm, cậu đã nhận ra sự thay đổi rõ rệt của bản thân cậu. Cậu trưởng thành hơn, tự tin hơn, và chưa bao giờ như bây giờ: cậu được là chính mình.

Có lần cậu đã hỏi thầy giáo rằng, lần đó tại sao thầy lại chọn trao học bổng cho cậu mặc dù cậu hơi thiếu tự tin khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn. Thầy mới bảo là thầy thấy được ước mơ và mục tiêu phát triển của cậu, thầy muốn giúp nó thành hiện thực.

Lời kết:

Tôi chưa bao giờ giỏi trong việc bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình cho người khác biết. Vì vậy để có thể bộc bạch mọi thứ, đem hết tâm tư tình cảm của mình nói ra cho mọi người biết đối với tôi là không thể. Nhưng tôi đã biến thể nó một chút, tôi mượn nhân vật “cậu bạn” ấy để nói về mình. Đây là cách tôi chọn để đưa dòng cảm xúc của mình ra. Bởi vì đối với tôi, nói về người khác dễ hơn là nói về mình.

Có người sẽ hỏi tôi rằng tôi có cảm thấy uổng phí những năm học ở trường cũ không? Thì tôi thường trả lời rằng không hẳn là phí, bởi vì nhờ những năm đó tôi mới có thể nhận ra cái gì mình thích, cái gì mình không thích. Có những người tìm ra được con đường đi đúng đắn của mình sớm, có những người phải trải qua nhiều bài học mới tìm được, và tôi là một trong những người đó. Nhờ hai năm kia tôi mới biết và yêu con đường tôi chọn nhiều hơn. Hơn nữa, nhờ có những năm kia tôi mới có thể biết được nhiều người bạn tốt, biết được tình cảm của bố mẹ dành cho tôi nhiều như thế nào.

Khi đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, hãy để giấc mơ của mình được lên tiếng, biết đâu bạn sẽ được ủng hộ từ phía gia đình và bạn bè. Nếu bạn như tôi, chọn nhầm đường đi cho mình thì hãy làm mọi cách tìm ra tiếng gọi của những hoài bão, những ước mơ mà đã bị che khuất lâu nay và bắt đầu theo đuổi nó. Không bao giờ là quá muộn khi bạn chịu bắt đầu.

Lê Giang Huynh (BMH2015)

Tác giả: Cao Đẳng Việt Mỹ - Ngày viết: 07/09/2016

Danh mục: Training, Việt Mỹ và tôi

ĐỂ LẠI CÂU HỎI NẾU BẠN CÓ THẮC MẮC